Home » Loạt chi tiết thách thức tài suy luận của khán giả trong phim Bẫy Nuốt Mạng của tài tử Gang Dong-won

Loạt chi tiết thách thức tài suy luận của khán giả trong phim Bẫy Nuốt Mạng của tài tử Gang Dong-won

by Sói Lửa

Với dàn diễn viên tên tuổi cùng kịch bản sặc mùi thuyết âm mưu, Bẫy Nuốt Mạng (tên tiếng Anh: The Plot) được xem là một bữa tiệc của diễn xuất và thách thức tài suy luận của khán giả xuyên suốt 99 phút “căng như dây đàn”. 

Bẫy Nuốt Mạng chính thức khởi chiếu kể từ ngày 14/6/2024, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội bởi sự tham gia của dàn diễn viên đình đám xứ Hàn như Gang Dong-won, Jung Eun-chae, Lee Mu-saeng, Lee Mi-sook, Lee Jong-suk,… 

Dựa trên bộ phim nổi tiếng Accident do Cổ Thiên Lạc đóng chính vào năm 2009, đạo diễn Lee Yo-sub đã quyết tâm thực hiện lại bộ phim với nhiều đổi mới về kịch bản và nhân vật. Theo đó, tác phẩm remake Bẫy Nuốt Mạng vẫn bám sát và xây dựng đề tài xoay quanh “nghề dàn dựng án mạng” đầy kịch tính, nhưng ẩn sau đó là cả một câu chuyện nhức nhối về vấn đề chính trị, truyền thông, pháp luật trong xã hội Hàn Quốc. 

Kịch tính như phim điều tra, trần trụi như phim xã hội 

Gang Dong-won vào vai Young-il, một thủ lĩnh nhóm tội phạm chuyên dàn xếp những vụ giết người theo yêu cầu thành tai nạn bất ngờ. Núp bóng dưới sự vô danh và khả năng ẩn mình tuyệt mật, họ âm thầm thực hiện những phi vụ ám sát tinh vi, mang về khoản tiền khổng lồ từ những kẻ chủ mưu quyền lực trong xã hội. 

Cho đến một ngày, Young-il nhận ra đội nhóm của mình không hề đơn độc trong trò chơi “bẫy mạng” này, có một tổ chức quy mô hơn mang tên Hội Thanh Trừng đang âm thầm nhắm vào anh và các đồng đội để triệt tiêu. Sự hoài nghi đã khiến Young-il ngày càng lún sâu vào thuyết âm mưu của chính mình, từ đó mở màn cho những cuộc thanh trừng đẫm máu không hồi kết. 

Bẫy Nuốt Mạng tập trung kể về nghề thiết kế án mạng để qua mắt truyền thông và pháp luật, khiến dân chúng tin rằng đó hoàn toàn là tai nạn may rủi. Với tiền đề thú vị, bộ phim liên tiếp mô tả những vụ tai nạn được dàn dựng trong bối cảnh cuộc sống thường ngày như: một chiếc xe buýt mất lái, một cơn mưa lớn, sự chen lấn của đám đông, ánh sáng cuồng nộ từ máy chụp ảnh, hay sự phản chiếu của ánh mặt trời… tất cả các yếu tố thường nhật đều được lợi dụng để tạo ra sự cố chết người. 

Là một tác phẩm remake, đạo diễn Lee Yo-sub áp lực tìm ra biến số mới với plot-twist đầy toan tính trong ngòi bút biên kịch. Phim không chỉ phô diễn những cách thức giết người không dao khiến khán giả thoả mãn trí tò mò mà còn đi sâu phơi bày nhiều mặt tối trần trụi, táo bạo trong xã hội hiện đại.

Khi con người đang tự giăng mình vào “bẫy” của đồng tiền

Bẫy Nuốt Mạng khiến người xem mắc kẹt trong hàng loạt manh mối thú vị về suy đoán “ai là thành viên của Hội Thanh Trừng”, xen kẽ các tình tiết chính trị đấu tố, chiếm gia tài, thâu tóm quyền lực,… làm mạch phim tăng dần sự kịch tính. Từ đây, đồng tiền trở thành cái bẫy thao túng toàn bộ tội ác, mặt xấu của con người. 

Trong phim, khán giả dễ dàng nhận thấy có hai luồng thông tin song hành: một bên là báo chí chính thống và một bên là những YouTuber buôn chuyện trên mạng xã hội. Hausher (Lee Dong-hwi) – gã YouTuber giấu mặt đã nhìn ra được chân tướng sự việc và dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra, thậm chí có cả bằng chứng nhưng vì không phải “thông tin chính thống” nên chẳng ai tin. Cuối cùng những gì anh ta nói chỉ được xem là thuyết âm mưu và bị cảnh sát bắt vì chứng bệnh hoang tưởng. 

Từ đó, khán giả dễ dàng nhận thấy sức mạnh vô hình của thông tin chính thống và sức mạnh đanh thép của pháp luật – nhưng có chăng đồng tiền đang đứng phía sau để đổi trắng thay đen? Hay như câu hỏi gây đau đáu của thanh tra Yang (Kim Shin-rok) trước lời đầu thú của Young-il ở cuối phim: “Vậy cảnh sát như tôi thì anh có tin được không?”. 

Ngoài ra, Bẫy Nuốt Mạng đã khéo léo lấy bàn cờ vua làm hình ảnh ẩn dụ với hai quân cờ chủ chốt: quân mã linh hoạt và quân tốt thí mạng. Từ đó cài cắm nhiều chi tiết ẩn thông qua đặc tính và nước chơi của từng quân cờ, tượng trưng cho mỗi nhân vật trong phim. 

Ở phần credit phim khi tái hiện lại từng vụ án mạng, đạo diễn như ngầm khẳng định giả thuyết Hội Thanh Trừng có tồn tại và đang âm thầm thao túng tất cả các vấn đề từ chính trị, truyền thông đến pháp luật trong xã hội Hàn Quốc. Nếu quân mã tượng trưng cho thành viên của Hội Thanh Trừng thì Young-il tựa như một “con tốt thí” đơn độc trên bàn cờ. 

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Lee Yo-sub cho biết: “The Plot không chỉ là một bộ phim ly kỳ căng thẳng mà còn là thứ nhìn sâu hơn vào sự cô đơn của con người. Và Young-il đại diện cho sự hoang tưởng, thiếu tin tưởng của con người trong thời hiện đại và những gì họ nhìn thấy”.

Bẫy Nuốt Mạng đang chiếu tại rạp với nhãn T16 – phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên.

Related Posts

Leave a Comment